3/10/08

Thủy công

Khi nói đến sự kinh khủng của sức nước người ta hay dùng đến cụm từ "đại hồng thủy". Tướng mà biết dùng nước để làm cho quân thù bị...sặc, bị ngộp cho ngất ngư, mất khả năng chiến đấu gọi là dùng...thủy công. Hiện nay bão tố hoành hành liên tục, tuy là chưa đại hồng thủy nhưng cũng cho ta rõ sự tàn phá của sức nước

Thầy thuốc chơi chiêu này hiểu rất rõ câu "nước lã khuấy nên hồ", vì không dùng hồ nên mấy thầy không dùng nước lã mà dùng nước...biển để khuấy thành đủ thứ: nhà, xe, đất đai...

Sức nước là vô địch, mạng người bệnh thì mõng manh cho nên chỉ cần cho "nhiểu nhiểu" cũng ăn chắc. Muốn chắc nữa thì nên dùng cho người còn khả năng...ăn uống. Ăn uống bằng đường miệng càng khỏe thì truyền nước càng khó...chết (Truyền nước biển là đổ nước trực tiếp vô tim phổi, hai món này mà yếu thì dễ bị "ngập lụt" chuyên môn gọi là phù phổi cấp - là một cấp cứu khẩn trương, chậm là "đai")

Chiêu này rất hấp dẫn con bệnh, mấy bà mấy cô do mãi mê xem phim Hàn quốc nhiều tập mà quên ăn, hoặc lo "tám" nên quên uống, rồi thấy trong người yêu yếu nên rủ nhau đi truyền nước biển vì...nghe đồn truyền nước biển "phẻ" lắm...

Họ có biết đâu họ "phẻ" ít mà mấy thầy thì "phẻ" nhiều, vì nước biển mà chảy vô thì tiền phải chảy ra như...nước. Nghĩ cũng hay, có lẽ mấy ông dược sĩ đất Hàn thấy thị trường ngon ăn nên cũng nhanh nhạy chế ra loại nước biển màu rất đẹp, giá rất rẽ để cung ứng cho bà con Việt Nam với tên gọi là Pantogen nhằm giúp cho thầy thuốc khỏi phải pha ống Becozym cho có màu vàng như trước kia.

Bệnh nhân nào mà dần dừ thì phải tung hỏa mù: ví dụ như: sau khi đo huyết áp thì BS sẽ phán: bị... tuột rồi đó nghe, người bệnh nào cũng sợ cho nên sẽ dễ dàng cho BS...kéo lên. Thế là được một chiêu. Con cái đi làm xa muốn báo hiếu bằng cách hiện đại nên cũng nhờ BS truyền dùm tía má tui vài chai..."bi nhiêu thì bi"

Kỳ thực, vẫn biết truyền nước biển thì họa phúc vô lường (thỉnh thỏang người chỉ vô khoảng vài ly "xây chừng" thì vội vã về nơi...thủy lạc) nhưng vẫn có không ít thầy thuốc triệt để khai thác sự thiếu hiểu biết của con bệnh mà "phun nước" ào ào.

Cái gì cũng có hai mặt, cũng như Đạo thì có lối chánh, nẽo tà. Phạm vi bài viết này không nhằm vào ai cả, chỉ mong bệnh nhân nào lạc bước vào...thủy cung nên bình tỉnh: bạn đang ăn uống bình thường thì nên bổ sung dinh dưỡng bằng con đường tự nhiên mà bạn thực hiện từ khi mới lọt lòng, và cứ như thế tốt và an tòan hơn việc truyền nước biển rất nhiều lần

27/9/08

Tiên hạ thủ vi...tiền

Người học thuốc ai cũng biết: không dùng thuốc tốt hơn dùng thuốc; dùng ít tốt hơn dùng nhiều. Uống thì đở hại hơn tiêm, tiêm ít thì tốt hơn tiêm nhiều; tiêm bắp đỡ nguy hơn tiêm mạch...
Tóm lại: dùng thuốc là chơi dao hai lưỡi, nhưng ngặt nỗi, một lưỡi cắt vào cái bệnh còn lưỡi kia thì đứt...bệnh nhân, chứ người chơi thì cứ...chơi tiếp
Con người có hai bên mông, tiêm một mũi được thì hai mũi cũng không khó lắm, còn có tiếng là BS giỏi và điều quan trọng là rất dễ tính tiền, vì tiêm thuốc vô rồi đố bệnh nhân biết đường mà dọ...giá. Dân trong nghề không nói ra nhưng ai cũng biết, chích thuốc đa phần là "bùa", để tung hỏa mù, chớ đa số bệnh nhân chỉ cần uống thuốc mà không cần tiêm cũng đủ để khỏi bệnh hoàn toàn
Tiêm thuốc vào người con bệnh thì tác dụng đầu tiên chắc chắn là sẽ...đau, bé con thấy thầy thuốc khám bệnh sợ còn hơn ông kẹ, đa phần là do mũi kim. Tiêm thuốc còn thêm một rủi ro là bị sốc thuốc (dân dã gọi là phản ứng thuốc) tuy hiếm gặp nhưng nó cũng giống như chơi xổ số, mua nhiều thì dễ trúng còn chích hoài thì cũng có ngày...la làng. Thường BS nào cũng sợ sốc thuốc, vì có những trường hợp siêu nhạy cảm BN gần như tử vong ngay lập tức vô phương cứu chữa; còn BN về tới nhà rồi mới sốc thì cũng "đai" vì chạy không kịp
Cho nên BS chích ai thì chích chớ không bao giờ chích người nhà, vì hơn ai hết BS biết có hàng khối thuốc điều trị bằng đường uống, không cần phải chích cũng khỏi bệnh (không tin hỏi con BS thì biết liền)
Nói nào ngay, khi cần thì cũng phải tiêm: bệnh nặng cần thuốc tác dụng nhanh; có loại thuốc phải tiêm chớ không uống được; có loại phải tiêm mạch chớ không thể tiêm bắp thịt; hoặc không uống được thì dĩ nhiên là phải tiêm...
Xin bà con thông cảm: thầy thuốc mà bệnh gì cũng xài thuốc theo kiểu "lụi", "lụi" không mệt mõi, "lụi" bất kỳ ai không phải là người nhà, thì cũng nên thông cảm, bởi họ "lụi" là vì chén cơm (bằng vàng) manh áo (bằng bạc), chớ trong bụng cũng hồi hộp lắm.
Công bằng mà nói thì chiêu này được dùng rộng rãi là do..."kinh tế thị trường"; "BN là thượng đế" Ai cũng biểu "BS chích cho em nghen"; "chích cho mau hết bệnh" "chích
đi BS, bi nhiêu thì bi"... đố ai mà cầm lòng cho đặng
Mũi này thì miễn phí

9/9/08

Chiêu...ôm

Chiêu này xưa như trái đất. Phàm đã là thầy thuốc thì không ít lần phải áp dụng chiêu này. Ôm đây là ôm bệnh, là không cho hoặc không muốn chuyển bệnh nhân, mặc dù khả năng của mình còn mù mờ về bệnh tật của thân chủ.
Thầy cỡ nào cũng có áp dụng chiêu này, từ các bậc khả kính giảng dạy cho các trường ĐH y, dược cho đến anh y tá vườn mà bằng cấp mối không thèm ăn, đều biết chiêu này và tung chiêu hàng ngày.
Ở Bv lớn thì ôm để cho một toa thuốc trớt quớt nhằm vào mớ "hoa hồng" rồi lần sau tính. Ít ai chịu nói cho bệnh nhân biết là bệnh này của bà con ở dưới dư sức trị, đừng có đi lên đây cho tốn kém, mà thường phán là "đi sớm một chút nữa thì sống" hoặc "trể một chút nữa là chết"
BV nhỏ thì sợ mất chỉ tiêu, sợ thất thu nên siêng ôm bệnh nhẹ: nhập viện tất tần tật hay ráng ôm bệnh nặng để rồi không ít lần phải ôm...hận
Dưới quê, trên huyện thì Bác sĩ "đa khoa", lương y "tòan khoa", bệnh gì cũng biết trị nên: nam, phụ, lão, ấu, nội ngoại, sản, nhi đều ôm được.
Các phòng X-quang thì đau đau chụp đó, kết quả thì cái gì cũng "mờ" nên phải uống thuốc; Các thầy có máy siêu âm thì đầu cổ bụng giò gì cũng rà rà rồi cho thuốc
Tóm lại rất hiếm khi người ta chỉ hoặc chuyển bệnh nhân đi cho đúng nơi điều trị. Vào phòng mạch là chắc cú có thuốc đi ra.
vì không được tư vấn tốt nên bệnh nhân bây giờ họ phải chấp nhận hên xui. Nếu xui gặp thầy chỉ biết tung chiêu độc thì ráng chịu, mai mốt lò mò kiềm thầy khác. có vậy nên mấy ông lang vườn, mấy "cô" mấy "cậu" mới có đất sống

7/9/08

Tuyệt thế của...thần dao

Độc chiêu này do các cao thủ ở các bệnh viện, đôi khi bệnh viện rất lớn như ĐH.., T.,...thực hiện

Trong một khung cảnh bệnh viện hiện đại, sang trọng, tiền (của bệnh nhận)là chuyện nhỏ cộng với tác phong bề trên của các bác sĩ thành phố, cao ráo trắng trẻo...nên đỡ được chiêu này phần nhiều do thiếu...tiền chung. Sau một thời gian thấy không mổ cũng vậy mới biết mình may mắn

Chổ dễ bị dính chiêu nhất hai cái a my đan, dù còn tốt có cắt bỏ cũng không sao; (tim gan phèo phổi hổng dám chơi) mấy cái xoang nay hết may bị, thì cứ chọc vô chọc ra lấy tiền, mấy bà bầu sợ đau đẻ, sợ đẻ "hư đồ" cũng hay bị dụ mổ bắt con cho...mau giàu

Thường chiêu này hay thấy ở các bệnh viện tư, các khoa dịch vụ của bệnh công.

Dân quê hơi khá tiền, lo lắng bệnh tật thái quá, là đối tượng ra đòn của các bác sĩ kiêm thợ mổ này

Chơi đến dao kéo là cực chẳng đã, chớ thông thường các thấy thuốc trường phái chánh đạo sẽ rất cân nhắc khi quyết định mổ cho bệnh nhân.
Kinh nghiệm là nếu nghi ngờ thì tạm hoãn binh trở về nhà kiếm mấy thầy ruột tư vấn cho kỹ trước khi đem tiền đi nộp cho thợ mổ

Em muốn luyện chưởng? (ảnh có tính minh họa)

6/9/08

Mở hàng

Phàm có người nói thầy thuốc như mẹ (chưa chắc hiền) coi bệnh nhân như con (chưa chắc ruột)
Thầy thuốc thì phải dụng thuốc, mà dụng thuốc như dụng binh cho nên cũng có người xem thuốc như...thầy võ.
Đã như thầy võ thì ra tay...đánh, mà đánh là tiếng của hạng bình dân, thầy thuốc là người có học nên phải nói là...xuất chiêu
Học càng cao thì chiêu thức biến hóa khôn lường, bản thân người viết dù nghiên cứu rất kỹ lưỡng mà có khi cũng dính đòn, nên mạo muội ghi ra đây ngõ hầu cho bà con cô bác, ai đó còn ngơ ngác thì biết đường mà tránh.
Mỗi ngày một chiêu nhưng không phải là mỗi ngày mình post lên một chiêu cho bà con nghiên cứu mà là lời cảnh báo: coi chừng mỗi ngày bị...một chiêu

(hình có tính minh họa - mổ là một chiêu mà các "thầy" ở bệnh viện lớn hay áp dụng: đó là cắt cái chưa cần cần cắt, mổ cái không nên mổ...chiêu này rất dễ thu tiền công cũng như thu hồi vốn đầu tư)